Thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm, kinh tế khó khăn, hạnh phúc nhất của mọi người là có được khúc vải katê Nhật. Trong khi đó, các nhà máy dệt chỉ có thể sản xuất vải canh cô, vải tám để đáp ứng nhu cầu cấp phát đại trà cho nguời dân và xuất sang thị trường Liên Xô. Làm trong ngành dệt, thấy bà con mình chỉ mơ có vải ngoại chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, Tuấn thấy không yên lòng.
Với suy nghĩ “tại sao bạn dệt được mà mình thì không”, Tuấn mạnh dạn đề xuất ban giám đốc cung cấp sợi màu. Tuy nhiên, sợi màu mà dệt máy một thoi thì quá đơn điệu, nên anh đã cải tiến máy một thoi thành máy dệt 4 thoi, sau vài tháng mệt nhoài tìm tòi trong nhà xưởng. Thừa thắng xông lên, anh được ban giám đốc tin tưởng, giao phó việc chuyển 100 máy dệt của công ty thành máy dệt 4 thoi. Với sáng chế đó, Huỳnh Long Tuấn đoạt giải Tuổi trẻ Sáng tạo của TPHCM năm 1986. Những năm sau, anh tiếp tục cho ra đời những sáng kiến: thiết kế các loại vải katê sọc màu, sọc vân hoa, sọc nổi, sọc carô, dệt kiểu, sọc chéo… Đặc biệt, anh thiết kế được loại vải sitting 100% coton có độ co nhăn tự nhiên, tạo mặt vải thoáng xốp, mở đường xuất khẩu vải “made in Vietnam” sang thị trường Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, anh còn có sáng kiến cải tiến bộ lò xo kéo khung go của máy dệt Doppy, tạo sự ổn định khung go trong quá trình sản xuất, giảm tiêu hao nhiên liệu, tiết kiệm vật tư, tăng năng suất lao động.
Hiện tại, anh công tác ở Công ty Liên doanh ASC Charwie. Trên cương vị Trưởng bộ phận KCS, đồng thời là Chủ tịch Công đoàn, anh luôn hết lòng vì công việc và tích cực chăm lo cho đời sống công nhân.
Số lượt xem: 198