Và cái gốc của vấn đề là khi nào người dân được mua xăng với nhiều mức giá khác nhau, theo mức giá cạnh tranh giữa các đầu mối nhập khẩu, giá của “chợ” thế giới. Cụ thể hơn, khi nào giá xăng của Saigon Petro sẽ rẻ hơn Petrolimex?
Để điều này xảy ra, phải xoá hẳn độc quyền trong kinh doanh xăng dầu cùng với việc bỏ cơ chế can thiệp vào giá xăng dầu. Khi đó, giá xăng dầu được thả nổi theo giá chợ thế giới. Điều này được PGS.TS Phạm Duy Nghĩa gọi là “một mong đợi” chỉ có được khi cạnh tranh tự do giữa các hãng có quyền kinh doanh xăng trong nước xuất hiện.
Nghị định 55, quy định các doanh nghiệp được tự chủ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, dần tiến đến việc xoá bỏ bao cấp của nhà nước đối với mặt hàng này. Nhưng trên thực tế, khả năng “tự chủ” của doanh nghiệp rất hạn chế, vì nhiều lẽ. Việt Nam đang hướng tới mục đích đó, chỉ có điều người tiêu dùng phải chờ đợi thêm khi các đầu mối kinh doanh này được độc lập thật sự và tự tin tách ra khỏi khu vực hành chính, có sự tham gia của đầu tư tư nhân và chịu sức ép cạnh tranh.
Hiện cả nước có 11 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, “miếng bánh xăng dầu” liệu có còn chỗ cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia hay không? Trả lời vấn đề này, một quan chức của Bộ thương mại (cũ) cho rằng trong Nghị định 55 không quy định bao nhiêu đầu mối, chỉ quy định ai có đủ điều kiện thì có thể tham gia kinh doanh xăng dầu, có quyền nhập khẩu nếu họ có khả năng tài chính. Vấn đề là khi nào tư nhân tham gia, nhà nước không hạn chế nhưng cần cân nhắc, vì hiện tại cơ chế thị trường chưa phải là hoàn hảo nên đôi khi nhà nước phải áp đặt giá. Và cũng chính vì áp đặt giá, nên nhà nước vẫn phải bù lỗ. Nhà nước bù lỗ dễ hơn rất nhiều so với tư nhân.
Như thế, dù không cấm khu vực kinh tế tư nhân kinh doanh xăng dầu, nhưng sự “cân nhắc” của nhà nước làm nản lòng những nhà đầu tư. Và cả người tiêu dùng, lẫn nhà đầu tư tư nhân phải tiếp tục chờ đợi. Có nghĩa là phải chấp nhận mua xăng với mức giá chưa vào “chợ thế giới” và học cách sống chung với nó.
Trong hoàn cảnh đó, điều mà người tiêu dùng mong muốn ít ra mình phải được biết “con đường đi của giá xăng khi về đến Việt Nam”. Cửa đã mở, công cụ để đi “chợ xăng thế giới” đã có, nhưng những doanh nghiệp nhập khẩu vẫn không hoặc chưa muốn tham gia! Ông Phạm Duy Nghĩa cho rằng: “Chẳng ai ngây thơ đến mức nhập xăng theo các hợp đồng riêng lẻ, mà thường sử dụng các hợp đồng kỳ hạn để giảm bớt rủi ro khi giá xăng lên xuống thất thường”.
Công khai các hợp đồng đó, minh bạch được phần rủi ro mà nhà nhập khẩu thực sự phải chịu, mới có thể lý giải được ảnh hưởng thực sự của giá nhập từ bên ngoài và giá bán nội địa. Có như thế, mới lý giải được những căn cứ để định giá, những can thiệp của Chính phủ.
Thêm nữa, hệ thống đại lý và khai thác nhượng quyền trong hệ thống này cũng cần phải được soi xét kỹ thêm. Có những thông tin cho rằng việc mở được đại lý bán lẻ xăng dầu là một đặc quyền, đặc lợi vì "mở được cây xăng là giàu to". Một ngành kinh doanh đang giàu to, nhưng nhà nước vẫn phải thường xuyên bù lỗ?!
Số lượt xem: 206