Thoái thác trách nhiệm? Hơn 9 giờ tối ngày 20/7, phóng viên nhận
được thông tin từ Bộ Tài chính về việc điều hành giá xăng dầu. Lần này,
điều “lạ” là Bộ không chỉ rõ mức điều chỉnh giá mà nói về chuyện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang áp dụng mức giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở.
Rất có “trách nhiệm”, Bộ Tài chính cho biết cụ thể, xăng RON 92 có giá bán thấp hơn 390 đồng/lít; dầu diezen thấp hơn 412 đồng/lít; dầu hỏa chênh lệch là 348 đồng/lít; còn dầu mazút
thấp hơn 71 đồng/kg so với giá cơ sở.
“Trên cơ sở chênh lệch giữa giá cơ sở và
giá bán hiện hành theo tính toán của Bộ Tài chính như trên, đề nghị các
doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án
giá, cách tính giá đã đăng ký để quy định giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở…”, văn bản của Bộ thông tin đến các doanh nghiệp.
Dù không khẳng định cho phép doanh nghiệp tăng giá bán lẻ, văn bản của Bộ Tài chính đã mở đường cho việc này. Trên thực tế, đến 10 giờ tối cùng ngày, hàng loạt doanh nghiệp kinh
doanh xăng dầu đầu mối đều đồng loạt tăng giá bán. Đặc biệt là mức “kênh” giống nhau, tăng 400 đồng/lít đối với xăng RON 92.
Sự thay đổi trong cách thông tin về điều
hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính lần này xuất phát từ việc điều chỉnh
trong một văn bản mới áp dụng.
Hôm 21/6, sau 4 lần điều chỉnh giảm giá liên tiếp để “dọn đường” cho việc áp dụng cơ chế giá thị trường, Bộ Tài chính có văn bản cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện quyền quyết định giá trong biên độ và tần suất điều chỉnh được
quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Nhưng, quan trọng là trước khi điều chỉnh vẫn phải báo cáo Bộ.
Về bản chất, sự khác biệt có chăng chỉ là việc Bộ Tài chính sẽ không còn ra văn bản chỉ đạo về giá với các mức thay đổi cụ thể, nhưng vẫn nắm quyền “sinh - sát” với tăng/giảm giá xăng
dầu của doanh nghiệp.
Ngược lại, sẽ không thể chê trách Bộ về việc tăng, hay giảm giá của các mặt hàng này. Một sự thoái thác trách nhiệm?
Trong khi đó đối với người tiêu dùng, sẽ
chẳng có tác động tích cực nào khi giá bán xăng dầu vẫn phải theo nguyên tắc bảo đảm quyền lợi các bên, mà trong các mối tương quan lợi ích đó, tất nhiên, doanh nghiệp không thể chấp nhận thua lỗ; thuế có thể
thu cao, hay thấp chứ không bù vào giá bán.
Riêng với các kênh thông tin, sẽ khó khăn hơn để thu nhận và thông báo đến người dân, doanh nghiệp về giá xăng dầu trên thị trường. Tức là, sẽ phải lấy thông tin từ doanh nghiệp,
sau mỗi lần Bộ Tài chính “mở đường” cho cơ hội tăng/giảm của giá xăng dầu.

Và đối xử với CPI
Nhìn ở góc độ tác động đến các đối tượng
liên quan kể trên, thay đổi trong cách điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính, có lẽ, bắt nguồn từ việc lâu nay người dân và doanh nghiệp không mấy hài lòng với mỗi lần tăng/giảm giá.
“Mặc dù giá xăng dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần, nhưng đầu năm tăng cao, gần đây có giảm nhưng chỉ nhỏ giọt nên không làm lợi gì cho sản xuất”, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn Nguyễn Trọng Kiên cho biết.
Quan điểm của ông Kiên cũng được nhiều chuyên gia đồng tính. Có ý kiến cho rằng, đáng lẽ Bộ Tài chính trước khi
“tháo quyền” định giá cho doanh nghiệp đã có thể giảm một lần nhiều hơn
đã từng thực hiện. Điều đó được kỳ vọng gây hiệu ứng tốt hơn đối với các doanh nghiệp đang trong tình cảnh sản xuất khó khăn, nợ nần chồng chất.
Tâm lý không hài lòng với cách điều hành
giá xăng dầu lâu nay cũng được Viện Kinh tế - Tài chính chỉ rõ trong một nghiên cứu công bố cuối năm ngoái.
“Khi cách nhìn nhận về lợi ích, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà nước và của người tiêu dùng chưa hoàn toàn thống nhất thì một sự thật là giá cả hầu hết sản phẩm trong xã hội đã tăng lên khi có điều chỉnh tăng giá xăng dầu… và khi đã tăng lên thì hầu
như không có xu hướng giảm, ngay cả trong trường hợp giá xăng dầu đã giảm”, nguồn tin trên cho hay.
Biến số đáng chú ý dưới góc nhìn của cơ quan thống kê về vấn đề này như sau: trong khi CPI mặt hàng xăng, dầu diezen vào tháng 7/2012 so với đầu năm chỉ tăng gần 1% thì vé máy bay tăng xấp xỉ 20%, vé ô tô khách là khoảng 6%, vé tàu thủy 2,7%; xe buýt công cộng tăng 5,4%.
Riêng cước taxi và vé tàu hỏa dù có giảm nhẹ trong tháng này thì vẫn còn tăng so với cuối năm ngoài khoảng 4,9% và trên 24,2%.
Như vậy, việc xăng dầu tăng giá 3 lần, giảm giá tới 5 lần từ đầu năm đến nay, nếu xét ở hiệu ứng đối với xã hội
thông qua cước phí vận chuyển là không nhiều, thậm chí vẫn “lợi bất cập
hại”.
“Trong nền kinh tế thị trường, nhiều khi
tốt nhất là không cần sự can thiệp của cơ quan điều hành để điều chỉnh quan hệ kinh tế”, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương từng phát biểu đại ý như vậy với báo chí.
Ở góc nhìn đó, câu hỏi đặt ra lúc này là
việc nhà nước đôi lúc phải giảm thuế suất đối với xăng dầu nhập khẩu, chấp nhận thiệt thòi về phía ngân sách; người dân phải mua giá cao để trích tiền vào quỹ bình ổn giá xăng dầu… thì những khoản tiền đó đã được
sử dụng thế nào để đem lại lợi ích cho nền kinh tế?
Theo Vũ Anh Quân
TBNH
Số lượt xem: 808