Trước tiên, phải kể tới Dự án Cụm dệt may Nam Đàn do Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) làm chủ đầu tư, với số vốn 1.300 tỷ đồng. Được xây dựng tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An, đây được xem là dự án lớn trong chiến lược phát triển của Hanosimex.
Cụm dệt may Nam Đàn được chia thành 2 giai đoạn. Với vốn đầu tư 850 tỷ đồng, giai đoạn 1 của Dự án gồm 3 dự án chính: Dự án Nhà máy Sợi Nam Đàn 1 có quy mô 30.000 cọc sợi, chuyên sản xuất sợi PE, công nghệ thiết bị 100% nhập khẩu từ châu Á, vốn đầu tư 350 tỷ đồng; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan triển khai dự án di dời kết hợp đầu tư nhà máy kéo sợi OE, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng và Dự án xây dựng Nhà máy Sợi Nam Đàn 2 quy mô 30.000 cọc sợi, chuyên sản xuất sợi T/C, vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Theo kế hoạch, cả 3 dự án thuộc giai đoạn 1 này sẽ được hoàn thành vào năm 2013.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Hanosimex sẽ triển khai đầu tư giai đoạn 2 của Dự án Cụm dệt may Nam Đàn, với vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Giai đoạn này gồm Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sợi Nam Đàn 3 quy mô 30.000 cọc sợi, sản xuất sợi T/C và sợi TCD chất lượng cao và 2 nhà máy may sản phẩm dệt kim quy mô 2,4 triệu sản phẩm quy chuẩn/năm.
Được khởi công mới đây, Dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu của Tổng công ty cổ phần Phong Phú, với tổng mức đầu tư gần 350 tỷ đồng, cũng được kỳ vọng sẽ củng cố thêm năng lực sản xuất của ngành dệt may. Dự án có quy mô 40.000 cọc sợi do Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang thuộc Tổng công ty Phong Phú thực hiện.
Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang cho hay, Công ty đang khẩn trương thực hiện các hạng mục quan trọng của Dự án, để cuối năm 2011 đưa nhà máy vào hoạt động. Khi đi vào sản xuất, nhà máy sẽ đảm bảo cung cấp sợi PE, TA và chỉ may chất lượng cao cho sản xuất vải cao cấp trong nước và xuất khẩu.
Hướng vào sản phẩm có khả năng cạnh tranh và giá trị cao, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ vừa khởi công xây dựng Nhà máy Veston Hòa Thọ tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Đây cũng là nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm veston cao cấp đầu tiên tại miền Trung. Dự án có công suất thiết kế 400.000 bộ/năm, vốn đầu tư gần 90 tỷ đồng, trong đó dành tới 70% vốn để mua máy móc, trang thiết bị tiên tiến của các hãng Rieter, Muratec, Jingwei… Dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay và mang về doanh thu xuất khẩu hơn 10 triệu USD/năm.
Theo ông Trần Văn Phổ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), việc các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, đặc biệt các sản phẩm chất lượng cao, sản xuất nguyên phụ liệu… là hướng đầu tư đúng đắn để ngành dệt may phát triển bền vững, cạnh tranh tốt hơn với các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Trung Quốc…
Là một trong những ngành hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu cao trong cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế những năm gần đây, song ngành dệt may cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là về vấn đề nguyên liệu. Bởi vậy, việc các doanh nghiệp đồng loạt khởi công các dự án đầu tư vào lĩnh vực này được kỳ vọng tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt hơn, góp phần tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, mang lại sự phát triển bền vững cho ngành dệt may.
Theo Thế Hải
Báo Đầu Tư
Số lượt xem: 187