Hôm qua (06/09) tại buổi làm việc của đoàn doanh nghiệp cấp cao Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, ông Alexander C. Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, nhất là khi tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đang có dấu hiệu tốt lên.
Vì thế, tại buổi làm việc này, Hội đồng đã mời khá nhiều đại diện lớn đến từ các lĩnh vực dầu khí, chế tạo, hóa chất, tài chính, công nghệ thông tin như ACE, Chevron, Cocacola, Ford Motor, IBM, Google, Boeing...
Ông Alexander C. Feldman cũng hy vọng rằng, Việt Nam sẽ giải quyết thành công những thách thức trong thời gian tới để các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận sâu hơn với thị trường.
Theo tinh thần này, đại diện Chevron cho biết, họ đang triển khai dự án điện khí gồm 3 cấu phần với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) với tổng giá trị đầu tư 7 tỷ USD, trong đó 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài (Chevron đóng góp 2 tỷ USD), phần còn lại do Việt Nam đảm nhiệm. Dự án sẽ triển khai 400 km đường ống dẫn, 3 nhà máy phát điện khí.
Với mong muốn dự án đi vào hoạt động vào 2015, Chevron đang xúc tiến cùng Petro Vietnam để cuối tháng 9/2011, sẽ có được thỏa thuận đầu tư giữa hai bên, tất nhiên, Chevron rất mong muốn sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ để thống nhất được cơ chế giá khí.
Đại diện Chevron khẳng định, khi đi vào hoạt động, ngoài ý nghĩa bổ sung nguồn năng lượng điện rất lớn cho hệ thống lưới điện quốc gia và mang lại tổng doanh thu có được trong suốt vòng đời dự án ước khoảng 14 tỷ USD, đã bao gồm tiền bán khí và thu thuế thì dự án còn góp phần tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD do tránh được khả năng phải nhập khẩu than để phát điện.
Một tên tuổi khác là hãng Mastercard lại khẳng định mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán điện tử và xây dựng ngành thanh toán điện tử chuyên nghiệp.
Đặc biệt, đại diện đến từ hãng máy bay Boeing nhấn mạnh: từ nay đến 2015, hãng sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam các khoản vay để mua thêm 7 máy bay bổ sung vào đội máy bay của Việt Nam.
Ông này cũng đề cập tới một sáng kiến có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thanh toán các đơn hàng lớn khi mua máy bay là tham gia vào “sáng kiến của các nhà tài chính” tại Nam Phi. Theo đó, nếu Việt Nam gia nhập và phê chuẩn thỏa thuận của sáng kiến này cùng các nhà tài chính thế giới thì ngay lập tức, có thể có ngay trong tay khoảng 25 tỷ USD để Vietnam Airlines thực hiện các đơn hàng mua máy bay trong tổng số 50 tỷ USD theo suốt thời gian tham gia thỏa thuận. “Tôi rất mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét và tham gia sáng kiến này”, đại diện đến từ Boeing nói. Theo
Nguyễn Hoài Vneconomy
Số lượt xem: 149