Ưu thế từ vị trí chiến lược
Trước khi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chuyến khảo sát thực địa tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Ban quản lý Khu kinh tế này đã tiếp một doanh nghiệp lớn từ Hà Nội vào nghiên cứu địa điểm để đầu tư một khu logistics tại đây.
Cùng thời điểm đó, một đoàn công tác của Thái Lan cũng đã tới khảo sát tuyến vận chuyển hàng hóa từ Cửa khẩu Bản Pheng (Thái Lan) sang Việt Nam.
Những động thái đó cho thấy, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã lọt vào “mắt xanh” của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhờ vị trí chiến lược của mình.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nằm trên Hành lang Đông - Tây, kết nối Việt Nam với Thái Lan và Lào, với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp gia công, lắp ráp hàng dân dụng. Từ Đông Bắc Thái Lan xuống Cảng Vũng Áng chỉ khoảng 300 km, bằng 2/5 cự ly ra cảng biển của Thái Lan, nên thuận lợi cho việc khai thác đường biển.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cách trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh 75 km, cách Thành phố Vinh (Nghệ An) 65 km, cách Cửa khẩu Bản Pheng (Thái Lan) 200 km. Đây là vùng quá cảnh cho các tỉnh của 3 nước sử dụng Quốc lộ 8A, kết nối với đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc – Nam.
Trong khi đó, đường 12 nối từ Thái Lan tới tỉnh Khăm Muộn (Lào) - địa phương tiếp giáp với Khu kinh tế vừa hoàn thành, tạo điều kiện thuận tiện cho giao thương trong khu vực.
Theo số liệu hải quan, hàng năm, có hàng chục ngàn lượt phương tiện thông quan tại cửa khẩu này, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 100 triệu USD/năm.
Quy hoạch hoàn thành về cơ bản
Có thể nói, giai đoạn gian khó nhất trong phát triển khu kinh tế là khi vừa làm quy hoạch vừa thu hút đầu tư. Nhiều nhà đầu tư rất ngại ngần khi đầu tư vào khu kinh tế chưa rõ hình hài, chưa ổn định về quy hoạch.
Nhưng đến nay, việc thực hiện quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã cơ bản hoàn thành, giúp các nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn địa điểm, hạng mục để đầu tư.
Khảo sát cho thấy, các diện tích đất trong Khu kinh tế được quy hoạch, sử dụng hiệu quả, linh hoạt. Các khu như Khu công nghiệp Đại Kim (26 ha), Khu công nghiệp Đá Mồng (490 ha), Khu công nghiệp Hà Tân (540 ha) với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Hoặc như mỏ nước khoáng Sơn Kim nằm trong vùng quy hoạch Khu du lịch Nước Sốt, với diện tích rừng, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn còn mang đậm nét hoang sơ, rất thuận lợi cho đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, khu vui chơi giải trí.
Khu đô thị Thị trấn Sơn Tây, Khu đô thị Nam sông Ngàn Phố đang hình thành, mang dáng dấp của những khu thương mại, đô thị hiện đại…
Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết, đã có gần 1.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có 11 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2.500 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ, Khu kinh tế đang là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hạn hẹp. Được biết, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được bố trí trong giai đoạn 2008 - 2011 chỉ đạt 375,5 tỷ đồng, quá ít so với nhu cầu đầu tư và phát triển của Khu kinh tế.
“Đến nay, kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang rất thiếu và yếu, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư”, ông Trần Báu Hà, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết.
Vì vậy, trong thời điểm khủng hoảng kinh tế và cắt giảm đầu tư công, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cần chủ động tìm kiếm và đa dạng hoá các hình thức đầu tư, như xây dựng – chuyển giao (BT), hợp tác công – tư (PPP), xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT)… để thu hút nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo Hữu Tuấn
Báo Đầu Tư
Số lượt xem: 860