Động
thái này một lần nữa cho thấy, Chính phủ cương quyết và không nhận nhượng với chuyện đầu tư ngoài ngành của các “quả đấm thép” của nền kinh
tế. Số
liệu được công bố từ cuối năm ngoái của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung
ương cho thấy, có 21/31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ra ngoài
ngành nghề kinh doanh chính, với tổng vốn hơn 22.590 tỷ đồng. Nền kinh tế đã phải trả giá quá đắt từ việc đầu tư ngoài ngành một cách dàn trải,
thiếu kiểm soát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vinashin, Vinalines, cộng thêm sự thua lỗ của EVN khi đầu tư vào lĩnh vực viễn thông là những điển hình. Thực tế, dù yêu cầu thoái vốn ngoài ngành đã được Chính phủ đưa ra từ lâu, song quá trình này đang diễn ra một cách khá chậm chạp, thâm chí vẫn có những đơn vị “xin” thêm.
Chẳng
hạn, trong Đề án Tái cấu trúc, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn
xin được bổ sung ngành đầu tư khu công nghiệp là lĩnh vực kinh doanh chính, trong khi đây là lĩnh vực đầu tư ngoài ngành nghề chính. Hay PVN vẫn xin giữ vốn ở hai đơn vị là Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Tài chính dầu khí Việt Nam.
Yêu
cầu trong giai đoạn phát triển mới buộc các tập đoàn, tổng công ty không được trì hoãn, né tránh thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Rằng, mệnh lệnh của Chính phủ phải được thực thi nghiêm, bởi nếu không, không chỉ khó nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng, doanh nghiệp nhà nước nói chung, mà còn khiến cho “lỗ hổng” trong hoạt động quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày càng đáng lo ngại hơn.
Trong
Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành ngày 9/7, việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và phải được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước.
Nghị
quyết cũng đã nêu rõ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn, thì khẩn trương lập phương án thoái vốn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể. Đối với các lĩnh vực đầu tư có hiệu quả hoặc gặp
khó khăn tạm thời, thì xem xét, tạo điều kiện để phát triển và tính toán thời điểm thoái vốn sao cho có hiệu quả nhất, theo đúng quy định của pháp luật.
Mệnh lệnh đã được đưa ra. Không thể né tránh và trì hoãn.
Theo Nguyên Đức
Báo đầu tư
Số lượt xem: 87